- HSC tin rằng việc nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên mới nổi sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn cho cổ phiếu Việt Nam, thu hút thêm dòng vốn nước ngoài và nâng cao chất lượng thị trường để đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu.
- Việt Nam có thể được nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE trong năm 2024, sau khi giải quyết vấn đề liên quan đến việc gỡ bỏ quy định NĐT nước ngoài cần ký quỹ trước khi giao dịch và triển khai hệ thống giao dịch KRX.
- Việt Nam sẽ cần thêm thời gian để nâng cấp TTCK theo các tiêu chí của MSCI.
- Dựa trên nghiên cứu sự kiện (7 thị trường mới nổi), thị trường thường tăng mạnh trước khi được nâng hạng lên thị trường mới nổi của MSCI tuy nhiên mối tương quan không rõ rệt sau khi thị trường được nâng hạng.
1. Nâng hạng lên thị trường mới nổi sẽ thúc đẩy dòng vốn vào Việt Nam
Theo Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 11/7/2022, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả và bền vững. Nâng cấp TTCK từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi là mục tiêu quan trọng, đặc biệt trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Bộ Tài chính đang chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm nâng hạng TTCK trước năm 2025.
TTCK Việt Nam đang được xếp vào Nhóm 3 – thị trường cận biên, đặc biệt đang nằm trong nhóm chờ nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE Russell kể từ năm 2018, cho thấy tiềm năng được xét nâng hạng. Vốn hóa TTCK Việt Nam chiếm tỷ trọng cao nhất trong nhóm thị trường cận biên, lần lượt chiếm 26% và 35% tỷ trọng chỉ số MSCI Frontier Markets và FTSE Frontier, được ví như “con cá lớn nằm trong ao nhỏ”. Ngoài ra, mặc dù là thị trường cận biên nhưng TTCK Việt Nam có quy mô tương đồng về tính thanh khoản và vốn hóa so với một số thị trường mới nổi khác trên thế giới.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần đáp ứng thêm một số tiêu chí để được nâng hạng thị trường. Theo tiêu chí của FTSE, Việt Nam sẽ được nâng hạng sau khi giải quyết vấn đề liên quan đến việc gỡ bỏ quy định NĐT nước ngoài cần ký quỹ trước khi giao dịch và triển khai hệ thống giao dịch KRX. Sẽ cần nhiều thời gian hơn để đáp ứng các tiêu chí của MSCI do các yêu cầu về tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài. Chúng tôi cho rằng, Việt Nam nhiều khả năng sẽ được MSCI đưa vào danh sách xem xét nâng hạng trong chu kỳ sắp tới vào năm 2025.
Việc nâng hạng TTCK có tiềm năng thu hút thêm hàng tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, như trường hợp của TTCK Kuwait và Qatar.
Dựa trên nghiên cứu sự kiện (7 thị trường mới nổi: Philippines, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc, Ấn Độ và Đài Loan), thị trường thường tăng mạnh trước khi được nâng hạng lên thị trường mới nổi của MSCI và không có nhiều mối tương quan sau nâng hạng (Bảng 12).
Trong trường hợp của các quốc gia khác như Peru, Maroc, Pakistan và Argentina, thách thức trong việc duy trì thứ hạng thị trường đến từ khả năng tiếp cận, quy mô và tính thanh khoản suy giảm. Lưu ý rằng tất cả các thị trường mới nổi trong khu vực ASEAN (Philippines, Thái Lan, Malaysia, Indonesia) đều giữ được thứ hạng sau khi được nâng hạng.
2. Việt Nam đang tăng tốc để nâng hạng thị trường
HSC tin rằng việc nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên mới nổi sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn cho cổ phiếu Việt Nam, thu hút thêm dòng vốn nước ngoài và nâng cao chất lượng thị trường để đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu. Theo tiêu chí của FTSE, Việt Nam sẽ sớm được nâng hạng sau khi giải quyết vấn đề liên quan đến việc gỡ bỏ quy định NĐT nước ngoài cần ký quỹ trước khi giao dịch và triển khai hệ thống giao dịch KRX. Tuy nhiên, sẽ cần nhiều thời gian hơn để nâng hạng thị trường theo các tiêu chí của MSCI do các yêu cầu liên quan đến tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài.
TTCK Việt Nam đang đi đôi giầy đã chật – Thời điểm thích hợp để nâng hạng TTCK
Theo Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 11/7/2022 về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả và bền vững, việc nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi để thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài, là một trong những mục tiêu hàng đầu của Chính phủ.
Bộ Tài chính đang chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy nhanh việc nâng cấp TTCK từ cận biên lên mới nổi trước năm 2025.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang được 2 tổ chức xếp hạng thị trường là MSCI và FTSE Russell xếp vào Nhóm 3 – thị trường cận biên. Riêng FTSE Russell đưa Việt Nam vào danh sách nhóm chờ nâng hạng lên Nhóm 2 – thị trường mới nổi.
Tại kỳ đánh giá vào tháng 9/2023, FTSE Russel tiếp tục giữ Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp. Lộ trình nâng hạng thị trường được tóm tắt trong Bảng 2, theo đó Việt Nam có khả năng được nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE vào năm sau.
Có thể nói, sau nhiều năm chờ đợi nâng hạng, TTCK Việt Nam đã vượt xa nhóm thị trường cận biên về mức độ thanh khoản và vốn hóa, được ví như “con cá lớn nằm trong ao nhỏ”. Trên thực tế, vốn hóa TTCK Việt Nam chiếm tỷ trọng cao nhất trong nhóm thị trường cận biên, lần lượt chiếm 26% và 35% tỷ trọng giỏ chỉ số MSCI Frontier Markets và FTSE Frontier (Bảng 3).
Mặc dù là thị trường cận biên, thanh khoản và vốn hóa của TTCK Việt Nam (HSX) có quy mô tương đương với một số thị trường mới nổi trên toàn cầu (Bảng 4).
3. TTCK Việt Nam có tiềm năng được nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE, nhưng vẫn chưa đáp ứng nhiều tiêu chí của MSCI
Như đã trình bày ở trên, FTSE Russel tiếp tục giữ Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi thứ cấp, do chỉ đáp ứng được 7/9 tiêu chí nâng hạng (Bảng 5).
Cụ thể, Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được tiêu chí về Chu kỳ Thanh toán (DvP), hiện được đánh giá là “còn hạn chế” do thông lệ thị trường tại Việt Nam là tiến hành kiểm tra trước giao dịch để bảo đảm sự sẵn có về vốn trước khi thực hiện giao dịch. Điều này cũng dẫn đến, đối với vấn đề về thanh toán, thị trường sẽ không gặp phải các giao dịch thất bại, do đó tiêu chí “Thanh toán – chi phí liên quan đến giao dịch thất bại” không được đánh giá.
Mặc dù tiến độ cải cách thị trường theo kế hoạch vẫn còn chậm, nhưng các cơ quan chính quyền cấp cao đã đưa ra cam kết triển khai các nội dung cần thiết. Ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) cũng cho thấy nhiều động thái tích cực trong việc tìm kiếm giải pháp khả thi để loại bỏ yêu cầu bắt buộc phải ký quỹ trước giao dịch.
Hiện nay, Thông tư 120/2020 của Bộ Tài chính quy định, NĐT nước ngoài khi thực hiện các giao dịch chỉ được đặt lệnh mua, bán khi đã ký quỹ đủ 100% tiền hoặc chứng khoán (Nhà đầu tư nước ngoài không được thực hiện giao dịch ký quỹ.). Việc yêu cầu phải ký quỹ 100% bằng tiền ngay tại thời điểm đặt lệnh giao dịch là trở ngại lớn đối với hiệu quả sử dụng vốn của nhà đầu tư nước ngoài và hạn chế tính thanh khoản của thị trường. Điều này trái ngược với thông lệ ở hầu hết các TTCK trên thế giới: không yêu cầu ký quỹ 100% trước khi thực hiện giao dịch. NĐT chỉ cần có đủ số dư tiền, chứng khoán tại thời điểm thanh toán giao dịch T+2, hoặc sử dụng những công cụ quản lý rủi ro khác.
MSCI đưa ra nhiều tiêu chí khó hơn cần được đáp ứng để nâng hạng thị trường. Trong đợt đánh giá tháng 6/2023 của MSCI, TTCK Việt Nam vẫn chưa có tên trong danh sách nâng hạng lên thị trường mới nổi. MSCI nêu ra 9 tiêu chí mà TTCK Việt Nam chưa đáp ứng gồm: (i) giới hạn sở hữu nước ngoài, (ii) “room” khối ngoại, (iii) quyền bình đẳng cho NĐT nước ngoài, (iv) mức độ tự do của thị trường ngoại hối, (v) đăng ký NĐT & thiết lập tài khoản, (vi) quy định thị trường, (vii) luồng thông tin, (viii) thanh toán bù trừ và (ix) khả năng chuyển nhượng (Bảng 5).
Tuy nhiên, cần lưu ý, không nhất thiết phải đáp ứng tất cả các tiêu chí để được nâng hạng thị trường. Trên thực tế, trong đánh giá tháng 6 của MSCI, Philippines (quốc gia được MSCI xếp hạng là thị trường mới nổi) cũng nhận được đánh giá tương tự với hơn 10% thị trường chịu tác động từ giới hạn sở hữu nước ngoài, quyền của NĐT nước ngoài bị hạn chế, chưa có thị trường giao dịch ngoại hối tại nước ngoài và thị trường ngoại hối trong nước còn hạn chế – những vấn đề Việt Nam cũng phải đối mặt.
Theo đó, Việt Nam nhiều khả năng sẽ được MSCI đưa vào danh sách xem xét nâng hạng trong chu kỳ sắp tới vào năm 2025, và chính thức được nâng hạng trong năm 2026 (Bảng 2).
4. Lợi ích tiềm năng khi nâng hạng thị trường
Nâng hạng lên thị trường mới nổi sẽ thu hút thêm dòng vốn nước ngoài và tăng khối lượng giao dịch trong nước
Trong hệ thống phân cấp đầu tư, nhóm thị trường cận biên chiếm tỷ trọng phân bổ vốn thấp nhất trong 3 nhóm thị trường, trong khi quy mô nhỏ hơn so với nhóm thị trường mới nổi ở mọi khía cạnh. Theo Bloomberg, tổng giá trị thị trường của nhóm thị trường cận biên là 715 tỷ USD, trong khi cổ phiếu của nhóm thị trường mới nổi được định giá cao hơn 28 lần là 20 nghìn tỷ USD (Mời xem: What are frontier markets and why invest in them?, ngày 19/6/2019, Bloomberg).
Ngoài ra, tổng giá trị vốn hóa của chỉ số thị trường cận biên của FTSE và MSCI đạt 180 tỷ USD, thấp hơn đáng kể so với nhóm thị trường mới nổi (12 nghìn tỷ USD) (Biểu đồ 6).
Điều này cho thấy Việt Nam có nhiều cơ hội để nâng hạng thị trường, qua đó thu hút thêm vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư toàn cầu, so với vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài luỹ kế trong quá khứ chỉ đạt 3,3 tỷ USD (Bảng 7).
Ngoài ra, việc nâng hạng thị trường cũng sẽ góp phần nâng cao chất lượng của TTCK Việt Nam khi các tiêu chuẩn toàn cầu được đáp ứng, bao gồm: sự cởi mở đối với sở hữu nước ngoài, sự dễ dàng của dòng vốn vào/ra, sự hiệu quả của cơ cấu hoạt động, sự đa dạng của công cụ đầu tư và sự ổn định của khung thể chế (Mời xem Phụ lục 1, 2).
Việc nâng hạng thị trường thường thu hút dòng vốn đáng kể cho các quốc gia. Ví dụ: TTCK Kuwait đã thu hút lần lượt 420 triệu USD và 1,3 tỷ USD chỉ trong một tháng sau khi được nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE và thị trường mới nổi của MSCI (Bảng 8). Qatar cũng ghi nhận xu hướng tương tự (Bảng 9).
Trong dài hạn, kể từ khi được nâng hạng lên thị trường mới nổi vào ngày 18/9/2020, TTCK Kuwait đã hút ròng 6 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Cùng kỳ, TTCK Qatar hút ròng 12 tỷ USD.
TTCK thường tăng mạnh trước khi được nâng hạng lên thị trường mới nổi, nhưng không có mối tương quan rõ rệt sau nâng hạng
Tuy nhiên, không có mối tương quan rõ rệt sau khi được nâng hạng. TTCK Kuwait duy trì đà tăng sau khi nâng hạng (Bảng 10), trong khi TTCK Qatar giảm mạnh sau khi được nâng hạng thành thị trường mới nổi của MSCI và thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE (Bảng 11).
Quan trọng nhất, dựa trên nghiên cứu sự kiện của chúng tôi (7 thị trường mới nổi: Philippines, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc, Ấn Độ và Đài Loan) trong giai đoạn 10 năm trước và sau khi được nâng hạng lên thị trường mới nổi của MSCI, thị trường thường tăng mạnh trước khi được nâng hạng lên thị trường mới nổi của MSCI và không có nhiều mối tương quan sau đó (Bảng 12). (Thông tin chi tiết mời xem Phụ lục 6).
5. Nâng hạng lên thị trường mới nổi không phải là đích đến cuối cùng
Trong trường hợp của các quốc gia khác như Peru, Maroc, Pakistan và Argentina, chúng tôi nhận thấy rằng các quốc gia này đã không thể duy trì thứ hạng thị trường sau một thời gian nâng hạng. Trên thực tế, các quốc gia này đã bị điều chỉnh thứ hạng trở lại nhóm thị trường cận biên hoặc thậm chí thấp hơn, chủ yếu do khả năng tiếp cận, quy mô và tính thanh khoản sụt giảm nghiêm trọng (Bảng 13). Cần lưu ý, tất cả các thị trường mới nổi trong khu vực ASEAN (Philippines, Thái Lan, Malaysia, Indonesia) đều duy trì được thứ hạng kể từ thời điểm được nâng hạng.
Nguồn: Research HSC
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm
Báo cáo này, Bản quyền thuộc về CTCP Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC), được HSC hoặc một trong các chi nhánh viết và phát hành để phân phối tại Việt Nam và nước ngoài; phục vụ cho các nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp là khách hàng của HSC. X-TEAM trích đăng báo cáo chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin và nhà đầu tư chỉ nên sử dụng báo cáo phân tích này như một nguồn tham khảo. X-TEAM sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm nào trước nhà đầu tư cũng như đối tượng được nhắc đến trong báo cáo này về những tổn thất có thể xảy ra khi đầu tư hoặc những thông tin sai lệch về doanh nghiệp.Các báo các khác