[ACV] – Q2/2024: Lợi nhuận đạt kỷ lục

  • Lợi nhuận thuần thuộc về cổ đông của ACV trong Q2/2024 (không bao gồm tài sản khu bay) đạt mức cao kỷ lục theo quý là 2,9 nghìn tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ và tăng 12% so với quý trước.
  • Loại trừ các khoản mục không thường xuyên, lợi nhuận tăng 14% so với cùng kỳ đạt 2,5 nghìn tỷ đồng, sát với dự báo của HSC. KQKD này bao gồm (1) 5 tỷ đồng hoàn nhập dự phòng các khoản phải thu quá hạn (HSC dự báo hoàn nhập 175 tỷ đồng) và (2) lãi tỷ giá cao hơn, đạt 444 tỷ đồng (cao hơn so với dự báo của chúng tôi ở mức 320 tỷ đồng).
  • HSC đang xem xét lại khuyến nghị và giá mục tiêu đối với ACV. Do các khoản mục không thường xuyên tăng lên, chúng tôi cũng sẽ xem xét lại các dự báo của mình.

Sự kiện: Công bố BCTC Q2/2024 

Lợi nhuận thuần thuộc về cổ đông và doanh thu thuần của ACV trong Q2/2024 đạt lần lượt 2,9 nghìn tỷ đồng (tăng 26% so với cùng kỳ và 12% so với quý trước) và 5,5 nghìn tỷ đồng (tăng 12% so với cùng kỳ nhưng giảm 2% so với quý trước). Đây là KQKD quý cao kỷ lục của ACV và cao hơn dự báo của HSC ở mức 2,5 nghìn tỷ đồng (tăng 11% so với cùng kỳ). Kết quả này được hỗ trợ bởi các khoản mục không thường xuyên (như đã nêu ở trên); nếu loại trừ các khoản lợi nhuận thuần không thường xuyên này, lợi nhuận HĐKD cốt lõi thuộc về cổ đông của ACV trong Q2/2024 đạt 2,5 nghìn tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ, giảm 2% so với quý trước và sát với dự báo của chúng tôi.

Tính chung nửa đầu năm 2024, lợi nhuận thuần đạt 5,5 nghìn tỷ đồng (tăng 53% so với cùng kỳ và bằng 62% dự báo cho cả năm 2024 của HSC) và doanh thu thuần đạt 11,2 nghìn tỷ đồng (tăng 16% so với cùng kỳ). Nếu không tính đến các khoản mục không thường xuyên – lãi tỷ giá tổng cộng 549 tỷ đồng (so với lỗ tỷ giá 302 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023) và dự phòng các khoản phải thu quá hạn 170 tỷ đồng (giảm 73% so với cùng kỳ) – lợi nhuận sẽ đạt 5,1 nghìn tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ (và bằng 50% dự báo cho cả năm 2024 của HSC) nhờ nhu cầu đi lại quốc tế tăng đáng kể và tỷ suất lợi nhuận cải thiện khi cơ cấu doanh thu hiệu quả hơn.

Doanh thu thuần khả quan nhờ nhu cầu quốc tế tăng lên

Doanh thu thuần Q2/2024 tăng 12% so với cùng kỳ nhờ lưu lượng khách quốc tế tăng cao dù nhu cầu đi lại trong nước thấp. Cụ thể như sau:

  • Số lượng hành khách quốc tế trong Q2/2024 tiếp tục tăng 31% so với cùng kỳ đạt 9,2 triệu lượt nhưng giảm 6% so với quý trước do nhu cầu vào mùa thấp điểm. Lưu lượng khách quốc tế đã phục hồi hoàn toàn, bằng với mức của Q2/2019.
  • Số lượng hành khách trong nước trong Q2/2024 giảm 21% so với cùng kỳ và giảm 2% so với quý trước xuống 17,2 triệu lượt, đánh dấu quý giảm thứ 5 liên tiếp trong bối cảnh kinh tế ảm đạm. Đáng chú ý, số lượng hành khách trong nước chỉ bằng 87% mức trước dịch. Trong khi đó, vào năm 2023, kết quả này vẫn cao hơn 8% so với mức của năm 2019.

Theo đó, tổng số hành khách trong Q2/2024 giảm 7% so với cùng kỳ và giảm 3% so với quý trước xuống 27 triệu lượt. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tổng số hành khách đạt 55 triệu lượt (giảm 3% so với cùng kỳ), gồm 20,3 triệu lượt khách quốc tế (tăng 39% so với cùng kỳ) và 34,7 triệu lượt khách trong nước (giảm 18% so với cùng kỳ), bằng lần lượt 46% và 49% dự báo cả năm 2024 của HSC.

Tỷ suất lợi nhuận tăng lên nhờ cơ cấu doanh thu hiệu quả hơn

Tỷ suất lợi nhuận gộp Q2/2024 của ACV tăng mạnh lên mức 62,5% so với 60,0% của cùng kỳ nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của nhu cầu quốc tế bất chấp nhu cầu trong nước ở mức thấp. Tỷ suất lợi nhuận gộp nửa đầu năm 2024 cũng cải thiện lên mức 63,2% so với 61,1% của nửa đầu năm 2023.

Điều này chủ yếu là do phí dịch vụ đối với hành khách quốc tế (thường ở mức 14-25 USD/khách (đã bao gồm thuế GTGT)) cao hơn nhiều so với hành khách trong nước (chỉ là 89.909đ/khách (3,6 USD/khách)). Trong Q2/2024, số lượng hành khách quốc tế chiếm 36% tổng số hành khách, so với 26% của Q2/2023.

Hoàn nhập sau 3 năm trích lập dự phòng các khoản phải thu quá hạn

ACV ghi nhận khoản hoàn nhập dự phòng 5 tỷ đồng đối với các khoản phải thu quá hạn trong Q2/2024 so với trích lập dự phòng 367 tỷ đồng trong Q2/2023. Đây là quý đầu tiên ACV ghi nhận khoản hoàn nhập sau 12 quý liên tiếp trích lập dự phòng các khoản phải thu quá hạn của các hãng hàng không kể từ Q2/2021.

Điều này chủ yếu là nhờ khoản hoàn nhập chi phí dự phòng từ Vietjet Air (VJC; Nắm giữ, giá mục tiêu 112.000đ) và Pacific Airlines (công ty tư nhân) lần lượt là 210 tỷ đồng và 21 tỷ đồng trong Q2/2024. Đối với Vietnam Airlines (HVN; Bán ra, giá mục tiêu 23.600đ), Bamboo Airways (công ty tư nhân) và Viettravel Airlines (công ty tư nhân), ACV vẫn trích lập dự phòng tổng cộng 205 tỷ đồng trong kỳ.

Tính chung nửa đầu năm 2024, ACV đã trích lập 170 tỷ đồng dự phòng cho các khoản phải thu quá hạn, giảm 73% so với cùng kỳ nhờ điều kiện tài chính tốt hơn của các hãng hàng không.

Lãi tỷ giá hỗ trợ lợi nhuận thuần

Lãi tỷ giá trong Q2/2024 đạt 444 tỷ đồng (tăng 5% so với cùng kỳ và 323% so với quý trước). Tính chung nửa đầu năm 2024, lãi tỷ giá đạt 549 tỷ đồng, chuyển biến từ lỗ tỷ giá 302 tỷ đồng nhờ VND tăng giá mạnh so với JPY.

Xem xét lại khuyến nghị và giá mục tiêu

HSC đang xem xét lại khuyến nghị Mua vào và giá mục tiêu 138.000đ (tiềm năng tăng giá 17,4%) sau khi giá cổ phiếu tăng mạnh gần đây.

Do lợi nhuận thuần Q2/2024 tốt hơn dự kiến (nhờ các khoản mục không thường xuyên), chúng tôi cũng đang xem xét lại dự báo của mình. HSC hiện dự báo doanh thu thuần năm 2024 đạt 23,3 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 16%), lợi nhuận thuần đạt 9,9 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 36%) và lợi nhuận từ HĐKD cốt lõi đạt 10,3 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 19%).

Mời quý anh/chị nhà đầu tư tham gia vào room cộng đồng để nhận thêm các khuyến nghị và chiến lược đầu tư hiệu quả nhất ạ!



Sau đó, mời bạn 

MỞ TÀI KHOẢN chứng khoán



Trả lời