-
Bộ Tài chính đã công bố phiên bản thứ tư của Dự thảo Thông tư vào ngày 19/7/2024 với nội dung (1) bỏ quy định yêu cầu ký quỹ 100% trước khi giao dịch đối với nhà đầu tư tổ chức nước ngoài và (2) nâng cao yều cầu về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán để cải thiện khả năng tiếp cập thông tin của nhà đầu tư nước ngoài.
-
Phiên bản thứ tư này cung cấp khuôn khổ công việc cụ thể và thực tế hơn cho các bên tham gia thị trường. Những điểm đáng chú ý bao gồm (1) tiêu chí xác định mức trần đối với giao dịch không yêu cầu ký quỹ mà các công ty chứng khoán cung cấp và (2) quy trình làm việc cụ thể từ ngày T đến ngày T+2.
-
HSC kỳ vọng đây sẽ là bản Dự thảo cuối cùng và Thông tư chính thức sẽ sớm được ban hành.
Khuôn khổ rõ ràng và thực tế hơn cho giao dịch không cần ký quỹ
Dự thảo Thông tư mới nhất được ban hành vào ngày 19/7/2024 đưa ra khuôn khổ toàn diện và thực tế hơn cho các bên liên quan tham gia vào giao dịch không yêu cầu ký quỹ. Dự thảo cập nhật này vẫn giữ những nguyên tắc cơ bản của các dự thảo ban đầu, đồng thời đưa ra hướng dẫn và khuôn khổ cụ thể hơn.
Mức trần cho vay ký quỹ dựa trên năng lực tài chính của các CTCK
Phiên bản thứ tư của Dự thảo xác định giới hạn về ‘giá trị mua không yêu cầu ký quỹ’ mà các công ty chứng khoán được quyền cung cấp cho các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài (NĐTTCNN). Mức giới hạn này, được xác định dựa trên tỷ lệ nợ và khả năng thanh toán của công ty chứng khoán, sẽ đóng vai trò là công cụ quản trị rủi ro nhằm giảm thiểu rủi ro hoạt động của các công ty chứng khoán.
Theo ước tính của chúng tôi, SSI hiện có mức giới hạn lớn nhất đối với giao dịch không yêu cầu ký quỹ (khoảng 6,8 nghìn tỷ đồng), tiếp theo là VCI (3,7 nghìn tỷ đồng) và HCM (2,8 nghìn tỷ đồng).
Quy trình làm việc từ ngày T đến ngày T+2
Bản dự thảo đưa ra quy trình làm việc chi tiết cho các bên tham gia thị trường, trong đó:
1. Vào ngày T, các công ty chứng khoán thực hiện các lệnh mua từ NĐTTCNN như giao dịch thông thường.
2. Vào ngày T+1, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) và ngân hàng lưu ký xác nhận việc NĐTTCNN có đủ tiền mặt hay không.
3. Vào ngày T+2, các CTCK nhận cổ phiếu đã mua trước đó và hoàn thành nghĩa vụ thanh toán (thay vì các NĐTTCNN) nếu các NĐTTCNN không đủ tiền mặt. Nếu NĐTTCNN có đủ tiền mặt, lệnh mua sẽ được thực hiện như các giao dịch bình thường và NĐTTCNN nhận cổ phiếu về tài khoản.
Bước tiến quan trọng trong quá trình xem xét nâng hạng thị trường của FTSE
HSC tin rằng dự thảo mới nhất là một bước tiến quan trọng và có thể chỉ cần những điều chỉnh nhỏ trước khi ban hành. Mặc dù có thể FTSE sẽ không kịp thời xem xét dự thảo này để nâng hạng Việt Nam lên thị trường mới nổi vào tháng 9/2024 nhưng chúng tôi vẫn lạc quan về tiềm năng Việt Nam được nâng hạng trong tương lai gần. Tuy nhiên, HSC vẫn đánh giá việc Việt Nam được nâng hạng là động lực rất quan trọng cho cả thị trường nói chung và các công ty chứng khoán nói riêng, đặc biệt là những công ty có mảng khách hàng tổ chức phát triển như SSI (Mua vào, 45.200đ), VCI (Nắm giữ, 49.500đ) và HCM (Chưa khuyến nghị), đây là những công ty chứng khoán đứng đầu về thị phần khách hàng tổ chức.
Khuôn khổ rõ ràng và toàn diện hơn
Bộ Tài chính đã ban hành phiên bản thứ tư của Dự thảo Thông tư với khuôn khổ rõ ràng và toàn diện hơn so với phiên bản trước đó. Dự thảo cập nhật này đưa ra (1) khuôn khổ cho các bên liên quan về giao dịch không yêu cầu ký quỹ và (2) mức trần cho các giao dịch cho vay ký quỹ. HSC đánh giá đây là một bước tiến đáng kể về quy định cho các giao dịch không yêu cầu ký quỹ, một yếu tố quan trọng để FTSE xem xét nâng hạng thị trường. Việc ban hành dự thảo này dự kiến sẽ giúp cải thiện khả năng thu hút vốn và đẩy mạnh khối lượng giao dịch trên thị trường. Những công ty chứng khoán tập trung vào khách hàng tổ chức sẽ là những bên hưởng lợi chính từ Dự thảo mới này.
Bản dự thảo Thông tư ban đầu giới thiệu những sửa đổi và bổ sung cho 4 thông tư hiện hành. Ba trong số các thông tư này (Thông tư số 119, 120 và 121, do Bộ Tài chính ban hành vào năm 2020) liên quan đến yêu cầu về ký quỹ, trong khi thông tư thứ tư (Thông tư 96, do Bộ Tài chính ban hành vào năm 2020) liên quan đến việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Đây là phiên bản cập nhật thứ tư của bản Dự thảo ban đầu (đã được phân tích trong Báo cáo nhanh về ngành trước đó của chúng tôi, Mời xem: Dự thảo Thông tư: Tích cực đối với mục tiêu nâng hạng thị trường, ngày 26/3/2024, HSC).
Đối với các giao dịch không yêu cầu ký quỹ, Dự thảo mới nhắc lại rằng các công ty chứng khoán có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thanh toán nếu các NĐTTCNN mất khả năng thanh toán vào ngày thanh toán. Những điểm chính như sau:
- Các công ty chứng khoán có thể chấp nhận các lệnh mua của NĐTTCNN ngay cả khi tài khoản của khách hàng không có đủ nguồn vốn để đáp ứng 100% giá trị lệnh đặt mua.
- Trong trường hợp NĐTTCNN không đủ tiền thanh toán vào ngày giao dịch hoàn tất, công ty chứng khoán nơi nhà đầu tư đặt lệnh chịu trách nhiệm thanh toán đối với phần tiền thiếu hụt.
- Công ty chứng khoán có thể thực hiện lệnh bán chứng khoán ngay khi chứng khoán về tài khoản tự doanh của công ty chứng khoán.
- Các công ty chứng khoán phải thông báo cho Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam về việc khách hàng không đủ tiền thanh toán giao dịch chứng khoán và thông tin giao dịch liên quan đến nghĩa vụ thanh toán.
- Trường hợp NĐTTCNN không thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo quy định pháp luật hoặc theo hợp đồng với công ty chứng khoán, công ty chứng khoán nơi nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đặt lệnh giao dịch phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán về giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong thời hạn 24 giờ, kể từ thời điểm hoàn tất việc thanh toán giao dịch thiếu tiền.
Những quy định mới
Quy trình làm việc chi tiết cho các bên tham gia thị trường
Trong bản Dự thảo mới nhất, một khuôn khổ toàn diện cho các bên tham gia vào giao dịch không yêu cầu ký quỹ đã được công bố.
Có 5 bên tham gia chính đối với giao dịch không yêu cầu ký quỹ: NĐTTCNN, công ty chứng khoán (phụ trách giao dịch của NĐTTCNN), Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam, ngân hàng lưu ký và BIDV (kiểm tra xem tài khoản của công ty chứng khoán – với tư cách là các thành viên lưu ký – mở tại BIDV có đủ tiền hay không).
- Ngày T – ngày thực hiện lệnh giao dịch: NĐTTCNN và công ty chứng khoán sẽ hoạt động như bình thường để mua chứng khoán cho NĐTTCNN.
- Ngày T+1 – xác nhận NĐTTCNN đủ tiền: Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam và các ngân hàng lưu ký sẽ xác định xem số dư tiền mặt của NĐTTCNN có đủ để mua chứng khoán vào ‘ngày T’ hay không.
- Ngày T+2 – thực hiện thanh toán: NĐTTCNN hoặc công ty chứng khoán sẽ hoàn thành nghĩa vụ thanh toán theo hai kịch bản như sau:
- Nếu NĐTTCNN đủ tiền mặt, NĐTTCNN sẽ thanh toán giao dịch thực hiện vào ngày T như giao dịch mua bằng tiền mặt thông thường.
- Nếu NĐTTCNN không đủ tiền mặt, công ty chứng khoán sẽ thay mặt cho NĐTTCNN hoàn thành nghĩa vụ thanh toán thực hiện vào ngày T (sau đó NĐTTCNN sẽ thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho công ty chứng khoán). Các công ty chứng khoán sẽ chuyển chứng khoán vào tài khoản tự doanh và sẽ có quyền chủ động bán những chứng khoán này ra thị trường hoặc cho NĐTTCNN để thu hồi tiền mặt.
Quy trình làm việc này giải quyết hiệu quả những lo ngại liên quan đến việc giải quyết các giao dịch thất bại, như đã nêu trong Dự thảo trước đó.
Giới hạn giá trị mua không cần ký quỹ – một công cụ quản trị rủi ro
Dự thảo Thông tư cập nhật xác định giới hạn cho giá trị mua không yêu cầu ký quỹ mà các công ty chứng khoán được phép cung cấp cho khách hàng tổ chức nước ngoài. Công thức tính giới hạn như sau:
Giới hạn giá trị mua không cần ký quỹ = Giá trị nhỏ nhất (mức trần thứ nhất, mức trần thứ hai), trong đó:
- Mức trần thứ nhất = (2 * số dư vốn CSH gần nhất) – dư nợ cho vay ký quỹ
Mức trần đầu tiên thể hiện giá trị cho vay ký quỹ còn khả dụng của các công ty chứng khoán. Trong đó, giá trị cho vay ký quỹ tối đa bằng hai lần số dư vốn CSH (quy định trong Quyết định số 87/QĐ-UBCK).
- Mức trần thứ hai: Tiền & các khoản tương đương tiền – nợ liên quan
Mức trần thứ hai phản ánh khả năng thanh toán thuần mà các công ty chứng khoán có thể sử dụng để tài trợ cho khách hàng trong ngắn hạn
Mức giới hạn này do Bộ Tài chính quy định là phù hợp, từ đó đảm bảo rằng Thông tư mới này (giúp gia tăng sức mua cho NĐTTCNN thông qua việc sử dụng đòn bẩy trong ngắn hạn) vẫn tuân thủ các quy định chứng khoán hiện hành và không tạo ra những bất ổn mới trên thị trường. Ngoài ra, giới hạn này cũng giúp giảm thiểu rủi ro hoạt động bằng cách đặt ra ranh giới cho các công ty chứng khoán trong việc cung cấp dịch vụ không yêu cầu ký quỹ cho khách hàng.
Dựa trên số liệu tài chính Q2/2024, HSC tính toán khả năng tài trợ dịch vụ giao dịch không ký quỹ cho khách hàng của 5 công ty chứng khoán hàng đầu trong Biểu đồ 2.
Một số điểm chính từ Biểu đồ 2 như sau:
- SSI hiện đang có tình hình tài chính tốt nhất để cung cấp giao dịch không yêu cầu ký quỹ cho khách hàng nước ngoài, với giá trị tối đa 6,8 nghìn tỷ đồng. Trong đó bao gồm trái phiếu của SSI được phát hành bởi các NHTM có thể bán ra để chuyển đổi thành chứng chỉ tiền gửi đủ điều kiện đáp ứng cho mức trần thứ hai.
- Khả năng thanh toán của HCM cho mức trần thứ hai là khá tốt và có thể so sánh với SSI. Tuy nhiên, số dư vốn CSH tương đối thấp sẽ hạn chế năng lực cung cấp dịch vụ không ký quỹ ở mức trần đầu tiên.
- Khả năng thanh toán thực tế của VCI có vẻ không chắc chắn do 25% số dư vốn CSH của công ty đến từ việc định giá lại tài sản, chủ yếu là khoản đầu tư PE vào NAPAS và IDP. Nếu những khoản đầu tư này làm thất thoát vốn, vốn CSH và khả năng cung cấp dịch vụ không ký quỹ của VCI theo đó cũng sẽ giảm xuống.
Các công ty chứng khoán đã tăng nền vốn mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu gia tăng của dịch vụ không yêu cầu ký quỹ và nhà đầu tư cá nhân gia tăng (Biểu đồ 3).
Tính đến hiện tại, khoảng 25% tổng nguồn vốn được huy động (hơn 30 nghìn tỷ đồng) đến từ HCM và ACBS. VND và VIX đã được UBCKNN thông qua việc phát hành quyền chọn với tỷ lệ lần lượt 20% và 95%.
Quá trình huy động vốn còn lại sẽ diễn ra trong nửa cuối năm 2024 với khả năng sẽ có thêm nhiều công ty khác. HSC dự báo thanh khoản thị trường sẽ hồi phục vao Q4/2024 do các công ty chứng khoán bơm vốn vào thị trường thông qua cho vay ký quỹ.
Bước tiến quan trọng trong việc nâng hạng thị trường của FTSE – nhưng mục tiêu được nâng hạng vào tháng 9/2024 khó có khả năng xảy ra
HSC dự đoán Thông tư sẽ hoàn tất cả ban hành trong tương lai gần. Tuy nhiên, FTSE có thể sẽ không kịp hoàn tất quá trình xem xét để nâng hạng thị trường Việt Nam lên thị trường mới nổi vào tháng 9/2024.
Một số trở ngại còn lại cần được làm rõ như sau:
- Việc thanh toán cổ phiếu giao dịch ngoài biên độ:
Hiện tại không có quy trình để xử lý các vấn đề có thể phát sinh trong trường hợp giao dịch thất bại bao gồm các cổ phiếu giao dịch ngoài biên độ, thường giao dịch với mức thặng dư so với thị giá.
Những câu hỏi chính cần được giải quyết bao gồm:
– Liệu tỷ lệ sở hữu nước ngoài của những cổ phiếu này có tăng lên nếu bên mua hợp pháp trong giao dịch là tài khoản của công ty chứng khoán trong nước (bên dự kiến sau đó sẽ bán lại cho NĐTTCNN)?
– Liệu các tài khoản của công ty chứng khoán trong nước có phải thanh toán phần thặng dư (dự kiến cho bên mua nước ngoài) vào ngày T? Nếu có, giá bán lại cho NĐTTCNN sẽ là bao nhiêu vào ngày T+2?
- Cơ chế đánh giá của FTSE:
– FTSE sẽ thu thập phản hồi từ NĐTTCNN đã trải nghiệm quy trình giao dịch mới đã được tích hợp tính năng giao dịch không yêu cầu ký quỹ.
– HSC ước tính quá trình xem xét sẽ cần khoảng 3-6 tháng.
Mặc dù việc nâng hạng của FTSE có thể sẽ không hoàn thành vào tháng 9/2024, HSC vẫn lạc quan về việc chính thức được nâng hạng trong tương lai gần.
Nguồn: Research HSC
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm
Báo cáo này, Bản quyền thuộc về CTCP Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC), được HSC hoặc một trong các chi nhánh viết và phát hành để phân phối tại Việt Nam và nước ngoài; phục vụ cho các nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp là khách hàng của HSC. X-TEAM trích đăng báo cáo chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin và nhà đầu tư chỉ nên sử dụng báo cáo phân tích này như một nguồn tham khảo. X-TEAM sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm nào trước nhà đầu tư cũng như đối tượng được nhắc đến trong báo cáo này về những tổn thất có thể xảy ra khi đầu tư hoặc những thông tin sai lệch về doanh nghiệp.