Điểm nhấn chính:
- Báo cáo cập nhật ngành ngân hàng của chúng tôi được xây dựng dựa trên kịch bản cơ sở là COVID-19 sẽ được kiểm soát tốt ở Việt Nam vào cuối Q2/2020. Và từ Q3, nền kinh tế sẽ phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng để quay lại hoạt động kinh doanh bình thường.
- Thông qua việc thực hiện phương pháp phân tích độ nhạy giữa khả năng gia tăng nợ xấu và kết quả lợi nhuận của 11 ngân hàng trong danh mục, chúng tôi dự báo rằng đối với kịch bản cơ sở, quy mô nợ xấu phát sinh có thể nằm trong khoảng từ 1,4-4,3% dư nợ. Kết quả là, dự phóng về lợi nhuận trước thuế (LNTT) của 11 ngân hàng này sẽ bị điều chỉnh giảm từ 12,3-37,6% so với dự phóng trước đây là LNTT năm 2020 tăng 20,3%. Cụ thể, LNTT gộp sẽ dao động ở mức tăng khiêm tốn 5,6% (nếu nợ xấu tăng thêm 1,4%), thậm chí giảm 24,9% (nếu nợ xấu tăng thêm 4,3%).
- Giả định phù hợp nhất trong kịch bản cơ sở của chúng tôi là, nợ xấu tăng thêm của hầu hết các ngân hàng sẽ từ 2,0-3,0%, kể cả khi các gói hỗ trợ và các chương trình tái cấu trúc đã được áp dụng. Do đó, trong năm 2020, chúng tôi dự báo thu thuần hoạt động (TOI) chỉ tăng nhẹ 3,2% so với 2019 (dự báo cũ: + 15,6%) nhờ 7,4% tăng trưởng cho vay và 0,29% giảm của NIM. Để bảo vệ lợi nhuận trước gánh nặng chi phí dự phòng tăng cao (+ 27,7%), chúng tôi dự báo rằng chi phí hoạt động sẽ được kiểm soát chặt chẽ (- 6,1%). Do đó, LNTT gộp của 11 ngân hàng sẽ giảm 3,0% so với năm trước.
- Hiện tại, các ngân hàng đang hỗ trợ khách hàng vay chủ yếu thông qua các gói giảm lãi suất cho vay (giảm 1,0-2,0%/năm, áp dụng từ 3-9 tháng). Để giảm bớt tác động tiêu cực lên thu nhập lãi ròng, các ngân hàng cũng hạ lãi suất huy động tiền gửi. Vì vậy, áp lực lớn nhất tới lợi nhuận các ngân hàng chủ yếu sẽ đến từ việc gia tăng chi phí dự phòng. Tuy nhiên, trong kịch bản tiêu cực hơn (nợ xấu tăng thêm từ 5-10%, ứng với giả định rằng đại dịch COVID-19 không thể được kiểm soát trước 4Q20), chúng tôi cho rằng các ngân hàng sẽ được phép áp dụng phương pháp hạch toán kế toán đặc biệt (như đã từng thấy trong cuộc khủng hoảng năm 2012).
- Cổ phiếu ngành ngân hàng đã giảm mạnh khoảng 30-40% so với mức đỉnh gần đây và hầu hết các cổ phiếu đang giao dịch ở mức P/B là 0,6-0,9 lần cho năm 2020. Đây là mức định giá thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008- 2012 khi tổng nợ xấu của cả ngành được ước tính là 17,2%.
- Chúng tôi tin rằng một số ngân hàng có khả năng phục hồi nhanh hơn các ngân hàng khác trong bối cảnh khủng hoảng. Cụ thể, chúng tôi thích các ngân hàng có khẩu vị rủi ro thấp, các tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động được duy trì tốt, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu cao. không có các rủi ro tập trung đáng kể vào các ngành nghề/ phân khúc khách hàng dễ bị tổn thương. Hiện tại, cổ phiếu ưa thích của chúng tôi là là VCB (Mua, +30,5% tiềm năng sinh lời) và ACB (Mua, +62,3% tiềm năng sinh lời) vì đây là hai ứng cử viên mạnh nhất phù hợp với các tiêu chí nêu trên.
Nguồn: HSC Research