Về cơ bản, cung và cầu của thị trường chính là yếu tố trực tiếp tác động tới sự tăng/giảm giá cổ phiếu. Cung – cầu có thể ở trạng thái cân bằng, cung vượt quá cầu hoặc cầu vượt quá cung dẫn tới sự biến động giá.
Trên thị trường chứng khoán, khối lượng giao dịch (số đơn vị chứng khoán được giao dịch trong một khoảng thời gian nhất định nào đó) được coi là thước đo cung cầu. Theo quy luật cung cầu thông thường, giá sẽ tăng khi cầu lớn hơn cung và giảm khi cung lớn hơn cầu. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp khối lượng giao dịch tăng nhưng giá lại giảm và ngược lại. Cụ thể như sau:
– Giá tăng khối lượng giao dịch giảm. Nếu trong xu hướng tăng, điều này có thể dự báo giá sắp giảm do khối lượng giảm thể hiện rằng nhà đầu tư đang dần e ngại vì giá cổ phiếu quá cao. Trong khi đó, nếu ở xu hướng giảm, giá cổ phiếu có thể sẽ tiếp tục giảm do nhà đầu tư chưa chú ý tới cổ phiếu.
– Giá giảm khối lượng giao dịch tăng: Trong xu hướng giảm, đây có thể coi là một tín hiệu giá cổ phiếu sắp tăng vì giá đã đi đến vùng có thể mua được nên thu hút một lượng lớn nhà đầu tư. Trong xu hướng tăng, các nhà đầu tư tin rằng đã xuất hiện vùng giá bán hợp lý nên chấp nhận bán giá thấp hơn.
Những yếu tố khác làm thay đổi giá cổ phiếu
Như đã đề cập, cung cầu thị trường là yếu tố tác động trực tiếp đến sự tăng giảm của giá cổ phiếu. Song nếu là người chơi cổ phiếu, bạn cần biết tới những yếu tố đứng sau ảnh hưởng tới cung cầu trên thị trường. Đó là tình hình kinh tế vĩ mô và vi mô, tình hình chính trị – xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tâm lý nhà đầu tư…
1. Kinh tế thế giới và trong nước
– Nhìn chung, giá cổ phiếu có xu hướng tỉ lệ thuận với sự phát triển của nền kinh tế, tức là giá cổ phiếu tăng khi nền kinh tế phát triển và giá giảm khi kinh tế đi xuống.
– Trên góc độ vĩ mô, xu hướng phát triển của kinh tế thế giới sẽ tạo điều kiện tăng trưởng cho một số nhóm ngành, ngành và điều này thường khiến giá cổ phiếu của ngành tăng. Bên cạnh đó, những chính sách tiền tệ của các NHTW lớn như FED, ECB, BoJ… cũng ảnh hưởng nhất định tới thị trường chứng khoán toàn cầu.
– Trong phạm vi quốc gia, chứng khoán được coi là “hàn thử biểu”, đo sức khỏe của nền kinh tế. Giá cổ phiếu, vì vậy, cũng giúp phản ánh nhiều khía cạnh của nền kinh tế như tình hình lạm phát, tốc độ tăng trưởng… Chẳng hạn như lạm phát thấp sẽ đưa định giá lên cao và lạm phát cao sẽ đưa định giá về thấp. Hay như ngành nào được đánh giá là triển vọng tăng trưởng tốt trong tương lai thì giá cổ phiếu của các doanh nghiệp trong ngành cũng sẽ tăng và ngược lại.
2. Tình hình chính trị
– Chính trị cũng là yếu tố có tính quyết định đến giá của cổ phiếu. Ở những nước chính trị bất ổn, có chiến tranh, có bạo loạn thì kinh tế cũng khó phát triển và vì vậy, thị trường chứng khoán cũng ít có cơ hội để đi lên. Mặt khác, khi chính trị bất ổn, người chơi cổ phiếu cũng không đủ tự tin để giao dịch dẫn đến giá cổ phiếu thường có xu hướng giảm.
3. Tình hình kinh doanh của doanh nghiệp
– Doanh nghiệp kinh doanh tốt, lợi nhuận quý, năm tăng trưởng đều đặn và vượt trội sẽ được nhà đầu tư lựa chọn nhiều hơn. Cầu tăng thì giá cũng sẽ tăng. Ngược lại, nếu doanh nghiệp thua lỗ, niềm tin của nhà đầu tư vào doanh nghiệp không còn, nhu cầu với cổ phiếu giảm thì giá sẽ giảm. Mặc dù thực tế cũng có những trường hợp doanh nghiệp kinh doanh kém nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng mạnh một cách “khó hiểu” như cổ phiếu DIG (Tổng Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng), NTL (Công ty CP Phát triển Đô thị Từ Liêm), AGG (Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia)… trong thời gian vừa qua song những trường hợp này chỉ mang tính cá biệt và không duy trì lâu dài. Khi thị trường có biến, đây cũng là những mã cổ phiếu lao dốc nhanh nhất.
– Để định giá cổ phiếu ở thời điểm hiện tại cũng như dự đoán về kỳ vọng trong tương lai của doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể dựa vào một số chỉ số cơ bản như P/E, P/B, chiết khấu dòng tiền…
4. Tâm lý nhà đầu tư
– Trong ngắn hạn, giá cổ phiếu trên thị trường chịu nhiều tác động từ tâm lý nhà đầu tư. Một vài tin đồn sáp nhập, thay đổi bộ máy lãnh đạo, ra sản phẩm mới, mở rộng quy mô… từ doanh nghiệp hoặc truyền thông cũng có thể khiến thị trường dậy sóng. Nếu để cảm xúc lấn át lý trí, bị cuốn theo tâm lý đám đông, nhà đầu tư có thể đưa ra nhận định sai lệch. Vì vậy, dù giá cổ phiếu sẽ có những điều chỉnh dần về đường giá trị thực khi các thông tin lợi nhuận của doanh nghiệp được công bố song việc hiểu rõ những tác động của tâm lý đầu tư đến giá cổ phiếu, biết cách kiểm soát cảm xúc sẽ giúp nhà đầu tư tránh được những sai lầm phải trả giá đắt.
Với người chơi cổ phiếu, nhận biết về những yếu tố ảnh hưởng đến giá cổ phiếu đóng vai trò quan trọng trong việc ra quyết định mua – bán, góp phần đánh giá chính xác giá trị thực của cổ phiếu, tránh được cái nhìn phiến diện, cảm tính về các cổ phiếu. Đồng thời, hiểu về các yếu tố ảnh hưởng đến giá cũng giúp nhà đầu tư ít bị ảnh hưởng tâm lý, vững vàng và chủ động hơn khi giao dịch.
Nguồn: X-TEAM tổng hợp và biên tập