[Cập nhật dự thảo Luật Chứng khoán]: Nới lỏng các sửa đổi đã thắt chặt trước đó

  • Dự thảo sửa đổi Luật Chứng khoán phiên bản 5 giới thiệu một số thay đổi quan trọng có tính hỗ trợ thị trường TPDN hơn.
  • Những sửa đổi chính (so với dự thảo trước đó) bao gồm: 1) nới lỏng điều kiện xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp (NĐTCKCN), 2) loại bỏ quy định về tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh ngân hàng đối với TPDN phát hành ra công chúng và 3) bổ sung ngoại trừ cho phép NĐTCKCN cá nhân đầu tư TPDN phát hành riêng lẻ được phát hành bởi các tổ chức tín dụng.
  • HSC đánh giá những thay đổi này là hợp lý hơn và phù hợp hơn với giai đoạn phát triển hiện tại của thị trường TPDN Việt Nam. Những bên hưởng lợi bao gồm tổ chức phát hành TPDN nói chung và các tổ chức cung cấp dịch vụ TPDN lớn.

Các quy định cho thị trường TPDN – Nới lỏng so với dự thảo trước

Sửa đổi trong phiên bản thứ 5 của Dự thảo Luật chứng khoán (Dự thảo lần 5) chủ yếu hướng tới và hỗ trợ thị trường TPDN, tác động tích cực đối với cả tổ chức phát hành và tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính. Những điểm sửa đổi chính bao gồm:

  • Nới lỏng điều kiện cho NĐTCKCN: Một số điều khoản hạn chế trong việc xác định NĐTCKCN đã được loại bỏ, đặc biệt là những điều khoản liên quan đến danh mục đầu tư, tần suất giao dịch và yêu cầu về thu nhập của NĐTCKCN cá nhân.
  • Loại bỏ yêu cầu về tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh ngân hàng: TPDN phát hành ra công chúng không còn yêu cầu phải có tài sản đảm bảo hoặc được ngân hàng bảo lãnh.
  • Sự tham gia của NĐTCKCN cá nhân vào TPDN phát hành riêng lẻ: Mặc dù dự thảo vẫn giữ quy định chỉ cho phép các NĐTCKCN là tổ chức tham gia vào trái phiếu phát hành riêng lẻ, Dự thảo 5 đã bổ sung trường hợp ngoại lệ cho phép NĐTCKCN cá nhân mua, giao dịch và chuyển nhượng trái phiếu do các tổ chức tín dụng phát hành.

HSC đánh giá những thay đổi này là hợp lý hơn và phù hợp hơn với giai đoạn phát triển hiện tại của thị trường TPDN Việt Nam. Các bên hưởng lợi từ những sửa đổi này bao gồm các nhà phát hành trái phiếu doanh nghiệp nói chung và các nhà cung cấp dịch vụ trái phiếu lớn, bao gồm cả các ngân hàng và công ty chứng khoán, đặc biệt là TCB và TCBS.

Trong khi bản dự thảo này không cập nhật về thời gian hạn chế chuyển nhượng đối với NĐTCKCN hoặc yêu cầu về xếp hạng tín nhiệm, chúng tôi cho rằng những lĩnh vực này vẫn đang được các cơ quan chức năng xem xét, theo khuyến nghị của các ủy ban thẩm tra luật.

Phiên bản Dự thảo thứ 5 – Nới lỏng sửa đổi được thắt chặt trước đó

Dự thảo sửa đổi lần thứ 5 của Luật Chứng khoán đưa ra những thay đổi quan trọng nhằm hỗ trợ thị trường TPDN. Những điều chỉnh chính so với bản dự thảo trước đó bao gồm: 1) nới lỏng điều kiện xác định NĐTCKCN, 2) loại bỏ yêu cầu về tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh ngân hàng đối với TPDN phát hành ra công chúng và 3) bổ sung ngoại trừ cho phép NĐTCKCN cá nhân đầu tư TPDN phát hành riêng lẻ được phát hành bởi các tổ chức tín dụng. Bản dự thảo này không đưa ra điều chỉnh về thời gian hạn chế chuyển nhượng hoặc yêu cầu về xếp hạng tín nhiệm nhưng chúng tôi cho rằng những lĩnh vực này vẫn đang được các cơ quan chức năng xem xét, theo khuyến nghị của các ủy ban thẩm tra luật.

Những điều chỉnh chính tác động lên thị trường TPDN

Dự thảo sửa đổi Luật Chứng khoán hướng đến giải quyết những khó khăn hiện tại đồng thời xây dựng nền tảng cho sự phát triển bền vững, dài hạn của thị trường vốn Việt Nam. Những thay đổi đề xuất được chia thành ba nhóm chính sách chủ chốt:

  • Nâng cao tính minh bạch và hiệu quả trong việc phát hành và chào bán chứng khoán ra công chúng,
  • Tăng cường giám sát để ngăn chặn xử lý gian lận chứng khoán và
  • Thúc đẩy sự phát triển của trường chứng khoán.

Mặc dù những mục tiêu này được đánh giá là những bước đi cần thiết để hướng tới một thị trường phát triển và ổn định hơn, vẫn xuất hiện những lo ngại từ phía các thành viên thị trường về tác động trong ngắn hạn và trung hạn, đặc biệt là đối với thị trường TPDN. Chúng tôi phân tích những sửa đổi chính và ảnh hưởng của những sửa đổi này, đồng thời đưa ra quan điểm về vấn đề này trong báo cáo Dự thảo Luật Chứng khoán: Thách thức ngắn hạn và lợi ích dài hạn, ngày 2/10/2024.

Dựa trên phản hồi từ nhiều tổ chức và chuyên gia, phiên bản mới nhất (phiên bản thứ 5) của bản dự thảo này đã có cách tiếp cận từng bước hơn. Dưới đây là tóm tắt những thay đổi chính của Dự thảo 5:

  1. Nới lỏng điều kiện xác định NĐTCKCN: Dự thảo phiên bản thứ 5 đã loại bỏ một số điều khoản hạn chế để xác định NĐTCKCN. Những điều khoản sau đã được loại bỏ:
  • Công ty có thời gian hoạt động tối thiểu 02 năm và có vốn điều lệ đã góp đạt trên 100 tỷ đồng hoặc tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch.
  • Cá nhân tham gia đầu tư chứng khoán trong thời gian tối thiểu 02 năm, có tần suất giao dịch tối thiểu 10 lần mỗi quý trong 04 quý gần nhất và nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu là 02 tỷ đồng tại thời điểm cá nhân đó được xác định tư cách là NĐTCKCN.
  • Cá nhân có thu nhập tối thiểu là 01 tỷ đồng mỗi năm trong 02 năm gần nhất tính đến thời điểm cá nhân đó được xác định tư cách là NĐTCKCN.

Nhận định của HSC: Như vậy, những điều kiện để xác định NĐTCKCN (cả tổ chức và cá nhân) chủ yếu sẽ tuân thủ theo quy định hiện hành trong Nghị định 65. Thay đổi chính của dự thảo là việc mở rộng cơ sở NĐTCKCN qua việc bổ sung tổ chức nước ngoài và cá nhân. Điều này phù hợp với những nỗ lực nhằm khuyến khích nhà đầu tư quốc tế tham gia nhiều hơn vào thị trường.

  1. Loại bỏ yêu cầu về tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh ngân hàng cho TPDN phát hành ra công chúng: Phiên bản 5 không đưa ra quy định mới về TPDN phát hành ra công chúng phải được đảm bảo bằng tài sản hoặc được ngân hàng bảo lãnh.

Nhận định của HSC: Chúng tôi cho rằng thay đổi này là hợp lý. Với mục tiêu của Chính phủ là phát triển thị trường TPDN, đặc biệt là trong việc thúc đẩy hoạt động phát hành trái phiếu ra công chúng, việc thắt chặt hơn các quy định, như trong các dự thảo trước đó, đem lại những thách thức không cần thiết ngay cả đối với các tổ chức phát hành có tình hình tài chính lành mạnh.

  1. Sự tham gia của NĐTCKCN cá nhân vào TPDN phát hành riêng lẻ: dự thảo 5 vẫn quy định chỉ có NĐTCKCN tổ chức được tham gia mua bán, giao dịch & chuyển nhượng TPDN phát hành riêng lẻ, tuy nhiên đã bổ sung ngoại trừ cho phép NĐTCKCN cá nhân mua bán, giao dịch và chuyển nhượng trái phiếu phát hành bởi các tổ chức tín dụng.

Nhận định của HSC: Thay đổi này cho thấy quan điểm của các cơ quan chức năng là trái phiếu phát hành riêng lẻ bởi các tổ chức tín dụng đủ an toàn cho NĐTCKCN cá nhân đầu tư. Dù sửa đổi này hỗ trợ thêm cho các tổ chức tín dụng trong việc phát hành trái phiếu, tác động ngay lập tức có thể sẽ hạn chế, do nhu cầu đối với các trái phiếu này chủ yếu đến từ các NĐTCKCN tổ chức. Do đó, ảnh hưởng ngắn hạn có thể sẽ không lớn.

Chúng tôi so sánh cụ thể phiên bản thứ 5 và bản dự thảo đầu tiên trong Bảng 1 và 2.

Kỳ vọng sắp tới

Trong khi bản dự thảo này không sửa đổi gì về thời gian hạn chế chuyển nhượng đối với NĐTCKCN hoặc yêu cầu về xếp hạng tín nhiệm, chúng tôi kì vọng những lĩnh vực này sẽ tiếp tục được các cơ quan chức năng xem xét theo khuyến nghị của các ủy ban thẩm tra luật. Cụ thể như sau:

  • Thời gian hạn chế chuyển nhượng: Ủy ban thẩm tra luật đã yêu cầu cần làm rõ hơn về quy định tăng thời gian hạn chế chuyển nhượng từ 1 năm đối với NĐTCKCN lên thành 3 năm, tương ứng với nhà đầu tư chiến lược, do mục tiêu đầu tư khác nhau. Có những lo ngại về việc gia tăng thời gian hạn chế chuyển nhượng này sẽ cản trở nhà đầu tư và tác động tiêu cực lên thanh khoản thị trường.
  • Xếp hạng tín nhiệm: Ủy ban nhấn mạnh rằng để các quy định thực sự hiệu quả, cần phải tăng cường áp dụng xếp hạng tín nhiệm cho các tổ chức phát hành. Điều này sẽ đảm bảo tính minh bạch cao hơn và cải thiện chất lượng của các chứng khoán phát hành, cuối cùng mang lại lợi ích cho các bên tham gia thị trường.

Nguồn: Research HSC
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm
Báo cáo này, Bản quyền thuộc về CTCP Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC), được HSC hoặc một trong các chi nhánh viết và phát hành để phân phối tại Việt Nam và nước ngoài; phục vụ cho các nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp là khách hàng của HSC. X-TEAM trích đăng báo cáo chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin và nhà đầu tư chỉ nên sử dụng báo cáo phân tích này như một nguồn tham khảo. X-TEAM sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm nào trước nhà đầu tư cũng như đối tượng được nhắc đến trong báo cáo này về những tổn thất có thể xảy ra khi đầu tư hoặc những thông tin sai lệch về doanh nghiệp.

Sau đó, mời bạn 

MỞ TÀI KHOẢN chứng khoán

Sử dụng dịch vụ: TƯ VẤN CHUYÊN SÂU

Sử dụng dịch vụ: QUẢN LÝ TÀI SẢN

Trả lời