- Tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong tháng 5 giảm 13% so với tháng trước, đạt 16,7 nghìn tỷ đồng, với lĩnh vực ngân hàng tiếp tục dẫn đầu (10 nghìn tỷ đồng).
- Lãi suất phát hành bình quân gia quyền của TPDN trong tháng 5 giảm xuống 7,96%/năm, mức thấp nhất trong 5 tháng qua. Tuy nhiên, lãi suất bình quân gia quyền ngành bất động sản (BĐS) vẫn duy trì trên mức 12%.
- Tính đến cuối tháng 5, tổng giá trị TPDN đang lưu hành giảm 2,4% so với đầu năm và giảm 2% so với cùng kỳ, đạt 1.215 nghìn tỷ đồng, tương đương 11,1% GDP ước tính của năm 2024 – thấp hơn đáng kể so với mục tiêu của Chính phủ là 20% GDP vào năm 2025.
- Giá trị trái phiếu BĐS sẽ đáo hạn vào cuối năm là 77 nghìn tỷ đồng (NVL: 7 nghìn tỷ đồng trong 3 tháng tới).
Ngành ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh phát hành trái phiếu
Tổng giá trị phát hành TPDN trong tháng 5 giảm 13% so với tháng trước xuống 16,7 nghìn tỷ đồng, ngành ngân hàng vẫn dẫn đầu về giá trị phát hành (10 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so với tháng trước). Ngân hàng phát hành trái phiếu hàng đầu trong tháng 5 là BIDV (2,2 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 7-15 năm, lãi suất 5,78-6,5%). Theo sau ngành ngân hàng, các tổ chức tài chính khác (được phân loại trong nhóm “ngành khác” của chúng tôi) đã phát hành hơn 4 nghìn tỷ đồng trong tháng 5 (chủ yếu là VIC: 4 nghìn tỷ đồng, lãi suất 12,5%). Ngược lại, giá trị phát hành của ngành BĐS giảm 55% so với tháng trước, chủ yếu là đợt phát hành của VHM (2 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 2 năm, lãi suất 12%).
Hoạt động mua lại trái phiếu giảm nhiệt trong tháng 5
Giá trị mua lại TPDN giảm 29% so với tháng trước và giảm 70% so với cùng kỳ xuống 9,2 nghìn tỷ đồng trong tháng 5. Ngành ngân hàng dẫn đầu hoạt động mua lại với 7,3 nghìn tỷ đồng (giảm 39% so với tháng trước, chiếm 80% tổng giá trị mua lại). CTG (1,5 nghìn tỷ đồng), TPB (1,49 nghìn tỷ đồng) và MBB (1,1 nghìn tỷ đồng) nằm trong số các tổ chức phát hành có giá trị mua lại cao nhất trong tháng 5. Mặt khác, giá trị mua lại của ngành BĐS tăng gấp ba lần so với tháng trước lên 680 tỷ đồng nhưng vẫn ở mức khiêm tốn, chỉ chiếm 7% tổng giá trị mua lại trong tháng.
Dự kiến 170 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn vào cuối năm 2024
Giá trị TPDN đáo hạn trong tháng 5 đạt 18,4 nghìn tỷ đồng, giảm 18% so với tháng trước nhưng tăng 10% so với cùng kỳ. Ước tính khoảng 170 nghìn tỷ đồng TPDN sẽ đáo hạn trong 7 tháng còn lại của năm. Trong đó, ngành BĐS dự kiến sẽ đối mặt với áp lực đáo hạn lớn nhất, lên tới gần 77 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2024 (NVL: 7 nghìn tỷ đồng trong 3 tháng tới), trong khi ngành ngân hàng đứng thứ 2 với tổng giá trị đáo hạn là 31,4 nghìn tỷ đồng.
Trái phiếu có vấn đề tăng lên mức cao nhất trong 8 tháng
Giá trị trái phiếu có vấn đề (được định nghĩa là trái phiếu thanh toán chậm & sửa đổi các điều khoản) tăng gấp 3 lần so với tháng trước lên 22,1 nghìn tỷ đồng vào tháng 5 (vẫn giảm 47% so với cùng kỳ), đạt mức cao nhất trong 8 tháng qua. Trái phiếu thanh toán chậm (11,5 nghìn tỷ đồng) và điều chỉnh các điều khoản (10,6 nghìn tỷ đồng) đều tăng mạnh. Cụ thể, Novaland Group dẫn đầu với giá trị trái phiếu thanh toán chậm cao nhất ở mức 3,4 nghìn tỷ đồng (tổng giá trị lãi chậm thanh toán là 170 tỷ đồng). Ngoài ra, Nova Thảo Điền (thuộc Tập đoàn Novaland) có giá trị trái phiếu sửa đổi các điều khoản cao nhất là 2,3 nghìn tỷ đồng (theo dữ liệu chúng tôi thu thập từ HNX tính đến cuối tháng 5)
Nguồn: Research HSC
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm
Báo cáo này, Bản quyền thuộc về CTCP Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC), được HSC hoặc một trong các chi nhánh viết và phát hành để phân phối tại Việt Nam và nước ngoài; phục vụ cho các nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp là khách hàng của HSC. X-TEAM trích đăng báo cáo chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin và nhà đầu tư chỉ nên sử dụng báo cáo phân tích này như một nguồn tham khảo. X-TEAM sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm nào trước nhà đầu tư cũng như đối tượng được nhắc đến trong báo cáo này về những tổn thất có thể xảy ra khi đầu tư hoặc những thông tin sai lệch về doanh nghiệp.
Các báo các khác
Sau đó, mời bạn