[FPT] – Tháng 4/2024: KQKD tích cực nhờ phân khúc dịch vụ CNTT nước ngoài và lợi nhuận tăng từ các công ty liên kết

  • Sáng ngày 21/5/2024, FPT đã công bố KQKD tháng 4 tích cực như dự báo với lợi nhuận thuần đạt 657 tỷ đồng (tăng 25,1% so với cùng kỳ) trên doanh thu thuần 4.896 tỷ đồng, tăng 20,4% so với cùng kỳ.

  • Theo đó, doanh thu thuần 4 tháng đầu năm 2024 đạt 2.455 tỷ đồng (tăng 21,6% so với cùng kỳ), bằng 31,3% dự báo lợi nhuận thuần cho cả năm 2024 của HSC ở mức 7.836 tỷ đồng (tăng trưởng 21,1%)

  • Trong tháng 4, KQKD mảng Công nghệ tích cực với doanh thu và LNTT tăng lần lượt 28,7% và 23,7% so với cùng kỳ, nhờ tỷ trọng đóng góp cao từ phân khúc dịch vụ CNTT nước ngoài. Mảng Viễn thông tiếp tục tăng trưởng thấp, trong khi đó lợi nhuận từ các công ty liên kết tăng mạnh.

  • Sau khi giá cổ phiếu tăng 22% và diễn biến tích cực hơn 11% so với VN Index trong 1 tháng qua, FPT đang giao dịch với P/E trượt dự phóng 1 năm là 20,3 lần, thấp hơn 12% so với bình quân của các công ty cùng ngành.

Sự kiện: Công bố KQKD tháng 4/2024

Sáng ngày 21/5/2024, FPT đã công bố KQKD tháng 4 tích cực như dự báo, với doanh thu đạt 4.896 tỷ đồng (tăng 20,4% so với cùng kỳ) và lợi nhuận thuần đạt 657 tỷ đồng (tăng 25,1% so với cùng kỳ). So với tháng trước, KQKD tháng 4 giảm nhẹ 4,5% về doanh thu và 0,6% về lợi nhuận thuần do yếu tố mùa vụ. Đây cũng là xu hướng quan sát thấy trong ba năm qua. Do đó, điều này không làm chúng tôi lo ngại.

Theo đó, lợi nhuận thuần 4 tháng đầu năm đạt 2.455 tỷ đồng (tăng 21,6% so với cùng kỳ) trên doanh thu thuần 18.898 tỷ đồng (tăng 20,6% do với cùng kỳ). Kết quả lợi nhuận thuần và doanh thu thuần này lần lượt hoàn thành 30,9% và 31,3% dự báo cho cả năm 2024 của HSC ở mức 61.505 tỷ đồng (tăng trưởng 16,9%) và 7.386 tỷ đồng (tăng trưởng 21,1%). Chi tiết như sau:

KQKD mảng Công nghệ tích cực, dẫn đầu là phân khúc dịch vụ CNTT nước ngoài

Mảng Công nghệ của FPT tiếp tục ghi nhận KQKD ấn tượng trong tháng 4 với doanh thu đạt 2.983 tỷ đồng (tăng 28,7% so với cùng kỳ), tương đương doanh thu 4 tháng đầu năm đạt 11.455 tỷ đồng (tăng 25% so với cùng kỳ). Trong đó, phân khúc dịch vụ CNTT nước ngoài là động lực chính với doanh thu trong tháng 4 đạt 2.451 tỷ đồng, tăng 30,4% so với cùng kỳ (tương đương doanh thu 4 tháng đầu năm đạt 9.450 tỷ đồng, tăng 29,2% so với cùng kỳ). Doanh thu phân khúc dịch vụ CNTT trong nước cũng tăng đáng kể 21,5% so với cùng kỳ đạt 532 tỷ đồng trong tháng 4, tương đương doanh thu 4 tháng đầu năm tăng 8,6% so với cùng kỳ đạt 2.005 tỷ đồng.

Thị trường Nhật Bản và châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục là động lực tăng trưởng chính cho phân khúc dịch vụ CNTT nước ngoài, với doanh thu trong tháng 4 tăng 34,3% so với cùng kỳ (tăng 44,6% nếu tính theo đồng Yên), tương đương doanh thu 4 tháng đầu năm tăng 31,6% so với cùng kỳ. Doanh thu từ các hợp đồng ký kết là điểm sáng trong tháng này, đạt 4.122 tỷ đồng (tăng 87,9% so với cùng kỳ và tăng 2,5% so với tháng trước) trong tháng 4 và 13.940 tỷ đồng (tăng 12,8% so với cùng kỳ) trong 4 tháng đầu năm 2024. Tính đến nay, FPT đã thắng thầu 20 dự án lớn có giá trị trên 5 triệu USD/hợp đồng. Tổng giá trị các hợp đồng thắng thầu này tăng hơn 30% so với cùng kỳ, cho thấy nhu cầu về dịch vụ CNTT đang tăng lên trên toàn cầu.

Công ty đã có những nỗ lực mạnh mẽ nhằm thúc đẩy hợp tác với Chính phủ, các bộ, ngành và doanh nghiệp nước ngoài, cũng như các lĩnh vực ít bị ảnh hưởng bởi kinh tế (ngân hàng). Những doanh nghiệp này đang là động lực chính cho phân khúc dịch vụ CNTT trong nước.

Về cơ cấu LNTT, mảng dịch vụ CNTT nước ngoài đóng góp 380 tỷ đồng (tăng 22,6% so với cùng kỳ) trong khi mảng dịch vụ CNTT trong nước đóng góp 12 tỷ đồng (tăng 71,4% so với cùng kỳ). Theo đó, LNTT của mảng Công nghệ đạt 392 tỷ đồng (tăng 23,7% so với cùng kỳ) trong tháng 4 và 1.547 tỷ đồng (tăng 26,5% so với cùng kỳ) trong 4 tháng đầu năm 2024.

Mảng Viễn thông có dấu hiệu bão hòa so với các mảng khác

Trong tháng 4, doanh thu mảng viễn thông của FPT tăng khiêm tốn 6,6% so với cùng kỳ, đạt 1.353 tỷ đồng, tương đương doanh thu 4 tháng đầu năm đạt 5.365 tỷ đồng (tăng 6% so với cùng kỳ). HSC cho rằng mảng Viễn thông tăng yếu hơn so với mảng Công nghệ do ngành có dấu hiệu bão hòa, những lo ngại về dịch vụ PayTV (truyền hình trả phí) và đường dây cho thuê, cũng như môi trường kinh tế vĩ mô trong nước chưa thật sự hỗ trợ.

Mặc dù doanh thu tăng khiêm tốn nhưng tỷ suất lợi nhuận vẫn cải thiện nhờ chi phí được quản lý hiệu quả hơn. Theo đó, LNTT tháng 4/2024 đạt 290 tỷ đồng (tăng 11,1% so với cùng kỳ), tương đương LNTT 4 tháng đầu năm đạt 1.116 tỷ đồng (tăng 13,3% so với cùng kỳ).

Mảng Giáo dục và Đầu tư ghi nhận KQKD tháng 4 tích cực

Trong tháng 4, mảng Giáo dục và Đầu tư ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ, với doanh thu tăng 16,4% so với cùng kỳ đạt 560 tỷ đồng và LNTT tăng 27,6% so với cùng kỳ đạt 231 tỷ đồng. Theo đó, doanh thu thuần và LNTT tăng lần lượt 41,9% và 16,7% đạt lần lượt 2.169 tỷ đồng và 784 tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm.

Tỷ suất lợi nhuận tăng ấn tượng nhờ lợi nhuận từ các công ty liên kết phục hồi mạnh mẽ bao gồm lợi nhuận từ FRT (FPT sở hữu 46,5% cổ phần) và Synnex FPT (FPT sở hữu 48% cổ phần).

Về mảng Giáo dục, vào ngày 9/5/2024, Đại học FPT Hà Nội đã tổ chức Ngày hội Việc làm và Du học ngành Bán dẫn. Sự kiện được tổ chức bởi các tập đoàn hàng đầu của Đài Loan và các trường đại học chuyên về lĩnh vực bán dẫn bao gồm Realtek Semiconductor, Phison Electronics, Ardentec, Đại học Lunghwa, Đại học Công nghệ Đài Bắc và Đại học Chao Tung. Sinh viên FPT đã có cơ hội tìm hiểu về các chương trình đào tạo, sản phẩm và dự án phát triển trong ngành này. Ngoài ra, nhiều cơ hội tuyển dụng và du học với các công ty và trường đại học Đài Loan đã được giới thiệu đến các sinh viên đủ điều kiện trong quá trình phỏng vấn.

Xem xét lại khuyến nghị và giá mục tiêu

Giá cổ phiếu của FPT đã tăng mạnh 22% trong 1 tháng qua và diễn biến tích cực hơn 11% so với VN Index nhờ thông tin công bố vào ngày 23/4/2024 về sự hợp tác giữa FPT và Nvidia trong việc xây dựng các “nhà máy AI”.

Theo đó, HSC đang xem xét lại khuyến nghị và giá mục tiêu đối với FPT. FPT đang giao dịch với P/E trượt dự phóng 1 năm là 20,3 lần, cao hơn so với bình quân từ tháng 4/2021 ở mức 15,5 lần. HSC tin rằng FPT xứng đáng được định giá lại ở mặt bằng cao hơn nhờ triển vọng lợi nhuận mạnh mẽ cũng như vị thế thuận lợi ở Việt Nam để hưởng lợi từ xu hướng công nghệ toàn cầu, bằng cách tập trung phát triển năng lực cốt lõi trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, ngành chip bán dẫn và công nghệ phần mềm ô tô trong những năm tới.

Nguồn: Research HSC

Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm
Báo cáo này, Bản quyền thuộc về CTCP Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC), được HSC hoặc một trong các chi nhánh viết và phát hành để phân phối tại Việt Nam và nước ngoài; phục vụ cho các nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp là khách hàng của HSC. X-TEAM trích đăng báo cáo chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin và nhà đầu tư chỉ nên sử dụng báo cáo phân tích này như một nguồn tham khảo. X-TEAM sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm nào trước nhà đầu tư cũng như đối tượng được nhắc đến trong báo cáo này về những tổn thất có thể xảy ra khi đầu tư hoặc những thông tin sai lệch về doanh nghiệp.

Sau đó, mời bạn 

MỞ TÀI KHOẢN chứng khoán

Sử dụng dịch vụ: QUẢN LÝ TÀI SẢN

Trả lời