Dựa vào chỉ số RSI, nhà đầu tư sẽ biết đâu là thời điểm nên vào/đóng lệnh. Có rất nhiều cách để ứng dụng chỉ số RSI, có thể kết hợp với nhiều khung thời gian, sử dụng kết hợp với chỉ báo Bollinger Bands, sử dụng kết hợp với đường SMA, kết hợp với mô hình nến đảo chiều, giao dịch phân kỳ…
Chỉ số sức mạnh tương đối RSI là một chỉ số được sử dụng khá phổ biến trong phân tích kỹ thuật chứng khoán. Vậy cách sử dụng chỉ số RSI ra sao, công thức tính như thế nào, áp dụng vào thực tế trong phân tích chứng khoán bằng phương pháp gì, nhà đầu tư hãy tìm hiểu cùng TOPI ngay bài viết dưới đây nhé!
Chỉ số RSI là gì?
Chỉ số RSI (tiếng Anh: Relative Strength Index) tên tiếng Việt chỉ số sức mạnh tương đối là chỉ báo được sử dụng trong phân tích kỹ thuật chứng khoán, công bố lần đầu vào năm 1978 được phát triển bởi kỹ sư cơ khí John Welles Wilder Jr., dùng để đo lường mức độ thay đổi giá trong khoảng thời gian gần nhất, giúp nhà đầu tư xác định quá mua và quá bán của thị trường.
Chỉ số RSI là một đồ thị di chuyển giữa 2 cực trị và hiển thị dưới dạng một bộ dao động từ 0 – 100, so sánh tỷ lệ tương quan giữa số ngày giảm giá với số ngày tăng giá. Nó sử dụng một tham số riêng lẻ, một con số đo lường thời gian đến tính toán độ dao động, thường là 14 ngày.
Nội dung và cách tính chỉ số RSI
Công thức tính RSI: RSI = 100 – 100/(1 + RS)
Trong đó: RS chính là sức mạnh tương đối, được tính bằng trung bình tổng số kỳ tăng chia trung bình tổng số kỳ giảm trong một khoảng thời gian nhất định. (RS = AG/AL);
Thời gian tính: 14 ngày gần nhất.
Khi tính chỉ số này, Welles Wilder đã giả định rằng ngưỡng mua xuất hiện sau khi thị trường đã tăng trong thời gian dài và ngưỡng bán xảy ra sau khi thị trường đã giảm trong thời gian dài. Khi RSI > 70 được coi là vùng quá mua, còn RSI < 30 được coi là vùng quá bán. Từ 30 đến 70 là vùng trung tính và mức 50 là không có xu hướng gì về giá.
Chỉ số RSI đo lường sức mạnh của giá chứng khoán đó trong lịch sử của chính nó chứ không phải là so sánh với giá chứng khoán khác;
Ý nghĩa của chỉ số RSI trong phân tích chứng khoán
Chỉ số RSI là một chỉ số rất quan trọng với các nhà đầu tư. Dựa vào chỉ số này, họ sẽ biết đâu là thời điểm nên vào/đóng lệnh.
Thứ nhất, chỉ số RSI phân vùng quá mua quá bán:
Khi đường RSI vượt ngưỡng 70 thì nó được coi là vùng quá mua (Overbought), lúc này giá đã đạt đỉnh và có xu hướng điều chỉnh giảm giá.
Còn khi đường RSI dưới ngưỡng 30 thì được coi là vùng quá bán, lúc ấy giá chuẩn bị chạm đáy và có xu hướng điều chỉnh tăng trở lại.
Thứ hai, nó dự đoán được xu hướng tăng/giảm trong tương lai
Nếu chỉ số RSI lớn hơn 50 theo hướng từ dưới lên hoặc nó nằm trong vùng 45-55 sau đó vượt quá khỏi ngưỡng 55 thì xu hướng thị trường thường là tăng điểm.
Còn nếu RSI vượt ngưỡng 50 theo hướng từ trên xuống hoặc nằm trong vùng 45-55 rồi vượt xuống khỏi vùng 45 thì thường là giảm điểm.
Thứ ba, nó xác định hình dạng phân kỳ và hội tụ giá
Để xác định được hình dạng phân kỳ và hội tụ giá ta nối đỉnh giá với đỉnh giá và đáy giá với đáy giá.
Nếu hai đường này ra xa nhau thì đó là phân kỳ. Lúc này giá đang có xu hướng đảo chiều từ tăng xuống giảm, nhà đầu tư nên ngừng bán, chuẩn bị xác định điểm để mua vào.
Còn nếu hai đường di chuyển lại gần nhau thì đó là hội tụ, ngược với bên trên, giá đảo chiều từ giảm lên tăng, nhà đầu tư nên ngừng mua và chuẩn bị xác định điểm đến bán ra.
Ứng dụng chỉ số RSI hiệu quả trong đầu tư chứng khoán
Có rất nhiều cách để ứng dụng chỉ số RSI sao cho thật hiệu quả trong đầu tư chứng khoán, chẳng hạn như:
Phương pháp 1: Sử dụng chỉ số RSI kết hợp nhiều khung thời gian:
Bước 1, ta xác định xu hướng giá trên biểu đồ lớn D1 có đi vào vùng quá mua/quá bán không. Nếu RSI < 30 tức là quá bán, xu hướng thị trường đảo chiều từ giảm sang tăng, nhà đầu tư nên mua vào. Nếu RSI > 70 vào vùng quá bán, thì nhà đầu tư nên bán ra vì xu hướng sẽ đảo chiều từ tăng sang giảm.
Bước 2, ta xác định điểm vào lệnh H4, cứ chờ giá vào vùng quá bán trên khung H4 thì mua vào, còn giá vào vùng quá mua trên khung H4 thì bán ra.
Phương pháp 2: Sau khi xác định được xu hướng trên khung thời gian lớn mới sử dụng chỉ số RSI
Trong phương pháp này ta sử dụng công cụ xác định xu hướng bất kỳ:
Bước 1, xác định đường xu hướng trên khung thời gian lớn D1 (sử dụng mô hình cái nêm).
Bước 2, tìm điểm vào lệnh thích hợp trên khung H4. Khi RSI > 70 trên H4 thì ta vào lệnh Sell (bán ra).
Phương pháp 3: Sử dụng kết hợp với đường SMA
Khi SMA 30 cắt lên SMA 100 và RSI vượt ngưỡng 50 thì vào lệnh Buy
SMA30 cắt xuống SMA 100 và RSI dưới ngưỡng 30 thì thoát lệnh Buy.
Khi SMA 30 cắt xuống SMA 100 và RSI dưới ngưỡng 50 thì vào lệnh Sell.
SMA 30 cắt lên SMA 100 hoặc RSI lên trên vùng 70 thì thoát lệnh Sell.
Phương pháp 4: Sử dụng kết hợp với chỉ báo Bollinger Bands
Bollinger Bands là chỉ báo được cấu thành từ đường MA và độ lệch chuẩn giá, thường gọi là chỉ báo độ trễ đi sau giá.
Khi giá chạm mức band dưới thì RSI sẽ rơi vào vùng quá bán, ngược lại giá chạm mức band trên thì RSI rơi vào vùng quá mua.
Kết hợp hai chỉ báo này cho ra bộ lọc tín hiệu rõ ràng nhất, xác suất thành công cao hơn.
Phương pháp 5: Failure Swing
Trong chiến lược này, người chơi chỉ cần quan sát RSI trong vùng quá mua quá bán để đưa ra quyết định vào lệnh.
Chúng ta cần phải chờ chỉ số RSI đi vào vùng giới hạn quá mua/quá bán, rồi tiếp tục chờ đến khi RSI phá vỡ khỏi vùng giới hạn này. Quan sát diễn biến động và chờ tới khi RSI phá vùng cao nhất và thấp nhất trước đó thì vào lệnh.
Phương pháp 6: sử dụng kết hợp với mô hình nến đảo chiều
Ta sẽ chờ RSI vào khu vực quá mua/quá bán và xuất hiện mô hình nến đảo chiều thì vào lệnh.
Phương pháp 7: Giao dịch phân kỳ
Gồm phân kỳ tăng, phân kỳ ẩn tăng, phân kỳ giảm và phân kỳ ẩn giảm.
Phân kỳ tăng xảy ra khi cùng một chu kỳ giá nhưng đồ thị giá có xu hướng giảm còn đồ thị RSI lại có xu hướng tăng, đi lên.
Phân kỳ giảm xảy ra khi cùng một chu kỳ giá nhưng đồ thị giá có xu hướng tăng nhưng đồ thị RSI lại có xu hướng giảm, đi xuống.
Phân kỳ ẩn tăng xảy ra khi giá tạo đáy sau cao hơn đáy trước nhưng RSI thì lại có đáy trước cao hơn đáy sau.
Phân kỳ ẩn giảm xảy ra khi giá tạo đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước nhưng RSI thì lại có giá tạo đỉnh trước thấp hơn đỉnh sau.
Lưu ý:
Chỉ số RSI không phải lúc nào cũng đúng 100%.
Giá trên vùng 70 thì vẫn có thể tăng tiếp.
RSI có dạng đảo chiều ngắn hạn, trung hạn và dài hạn tại mỗi khung thời gian khác nhau vì thông số có sự khác nhau. Nhà đầu tư nên chờ thêm các tín hiệu khác rồi hãy đưa ra các quyết định giao dịch.
Chỉ số RSI chỉ giúp nhà đầu tư tìm ra các cổ phiếu khỏe trên thị trường nhưng không phải các cổ phiếu trong đó đều dẫn đầu. Vì vậy, để chắc chắn có chiến lược đầu tư hiệu quả, người chơi vẫn phải kết hợp thêm nhiều phương pháp phân tích kỹ thuật khác.
Nguồn: X-TEAM tổng hợp và biên tập