Điểm nhấn chính:
Hầu hết các nhà máy sản xuất ô tô và xe gắn máy tại Việt Nam tạm thời đóng cửa
- Ford Việt Nam là doanh nghiệp ô tô đầu tiên thông báo tạm thời đóng cửa nhà máy vào ngày 26/3/2020. Tiếp theo, Toyota Việt Nam cũng tạm dừng hoạt động sản xuất cho đến khi có thông báo mới từ ngày 30/3. Vào ngày 1/4, Hyundai và Honda Việt Nam đã đóng cửa nhà máy trong 15 ngày. Vinfast tạm ngừng hoạt động các nhà máy từ ngày 6/4/2020 cho đến khi có thông báo mới.
- Việc nối lại hoạt động sản xuất sẽ tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh, nhu cầu thị trường, tình trạng của chuỗi cung ứng và quan trọng là các quy định hạn chế về giãn cách xã hội của chính phủ. Kịch bản cơ sở của chúng tôi là dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát hoàn toàn tại Việt Nam vào cuối Q2/2020.
- Hầu hết các showroom tại các thành phố lớn đã đóng cửa trước thời gian đóng cửa của các nhà máy sản xuất xe ô tô. Dịch vụ bảo dưỡng và hỗ trợ vẫn tiếp tục hoạt động thông qua kênh trực tuyến.
- Trong bối cảnh nhu cầu thấp và các nhà máy sản xuất xe ô tô và xe gắn máy tạm ngừng hoạt động, DRC cũng đã quyết định tạm dừng hoạt động các nhà máy trong 15 ngày, từ ngày 1/4. Bộ phận bán hàng và các bộ phận khác vẫn tiếp tục hoạt động.
Nhu cầu cũng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể
- Người dân có xu hướng hoãn mua xe trong thời gian dịch bệnh. Lo ngại về chuỗi cung ứng sản xuất ô tô có vẻ đã được giải quyết khi hoạt động sản xuất phụ tùng xe ô tô tại Trung Quốc đã hầu như nối lại hoạt động kể từ giữa tháng 2/2020. Tuy nhiên sự lây lan nhanh chóng của dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng đáng kể đến nhu cầu.
- Theo VAMA, doanh số tiêu thụ ô tô 2 tháng đầu năm 2020 cả nước chỉ đạt tổng cộng 31.908 xe, giảm 26,3% so với cùng kỳ. Doanh số xe du lịch giảm mạnh 29,9% so với cùng kỳ đạt 24.458 xe; chủ yếu do người dân hoãn mua xe trong thời gian có dịch bệnh. Điều này cho thấy nhu cầu đối với mặt hàng xa xỉ giảm trong thời gian xảy ra đại dịch. Số liệu doanh số tiêu thụ xe gắn máy chưa được công bố, nhưng chúng tôi cho rằng doanh số sẽ giảm trong quý đầu năm.
Ảnh hưởng đối với các doanh nghiệp niêm yết
- Cả 3 liên doanh của VEA (nâng đánh giá lên Mua vào, giá mục tiêu là 41.100đ) đã tạm ngừng hoạt động nhà máy trong ít nhất 15 ngày. Chúng tôi điều chỉnh giảm 15,5% dự báo lợi nhuận thuần năm 2020 xuống còn 6.357 tỷ đồng (giảm 13,1% so với năm 2019) trước ảnh hưởng của việc đóng cửa nhà máy và nhu cầu bị ảnh hưởng. Tại thị giá hiện tại, VEA có định giá rẻ với P/E dự phóng năm 2020 là 6,1 lần và tỷ lệ cổ tức/giá hấp dẫn là 15%. Chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận thuần năm 2021 tăng trưởng 11,2%.
- Chúng tôi điều chỉnh giảm 24,6% dự báo lợi nhuận thuần năm 2020 của DRC (nâng đánh giá lên Mua vào, giá mục tiêu 24.300đ) xuống 200 tỷ đồng (giảm 20,2% so với năm 2019) để phản ánh cú sốc nhu cầu tại cả thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Mỹ. Lợi nhuận thuần năm 2021 sẽ hồi phục mạnh mẽ nhờ chi phí khấu hao giảm mạnh và nhu cầu hồi phục. Hiện DRC có P/E dự phóng năm 2020 và 2021 lần lượt là 10,1 lần và 6,8 lần và tỷ lệ cổ tức/giá hấp dẫn, ở vào 9,7-12,9%.
- Hiện tại các nhà máy của PAC (duy trì đánh giá Tăng tỷ trọng, giá mục tiêu 20.700đ) vẫn hoạt động bình thường. Do đối mặt với tình trạng hạn chế công suất, PAC đã sử dụng cơ sở sản xuất hiện tại để sản xuất sản phẩm có nhu cầu cao. Giá nguyên liệu đầu vào giảm sẽ hỗ trợ sự hồi phục của tỷ suất lợi nhuận mặc dù nhu cầu giảm. Chúng tôi điều chỉnh giảm 7,9% dự báo lợi nhuận thuần năm 2020 xuống còn 157 tỷ đồng (giảm 5,6% so với năm 2019). Hiện P/E dự phóng năm 2020 và 2021 lần lượt là 5,7 lần và 5,2 lần; tỷ lệ cổ tức/giá hợp lý, ở mức 8,6%.
Nguồn: HSC Research